• Chào mừng bạn đến với Hội những người đam mê Văn hóa Óc Eo (Các bài viết trên website chỉ mang tính chất sưu tầm)
  • Chào mừng bạn đến với Hội những người đam mê Văn hóa Óc Eo (Các bài viết trên website chỉ mang tính chất sưu tầm)

Óc Eo Cultural Heritage

Nghệ thuật điêu khắc tượng thần Ganesa trong văn hóa Óc Eo

Ở mỗi vùng miền đều có một nền văn hóa đặc sắc mang sắc thái và phong cách riêng của mình. Cũng giống như vậy, văn hóa Óc Eo được coi là nền văn hóa của vương quốc Phù Nam ở thế kỷ I đến thế kỷ VII, đây là một hiện tượng lịch sử độc đáo.

Đến nay có nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc cổ đã được khai quật và phát hiện rất nhiều hiện vật tiêu biểu cho thời kỳ hưng thịnh của quốc gia Phù Nam cổ đại.


Nghệ thuật điêu khắc cổ của văn hóa Óc Eo đã để lại những ấn tượng khó quên bằng các pho tượng cổ đặc sắc. Vào cuối thế kỷ XIX, một nhà nghiên cứu người Pháp đã tiến hành khai quật di tích Ba Thê, nằm trên sườn chân núi phía Bắc và Đông, Đông Nam núi Ba Thê, tiếp giáp Giồng Cát, Giồng Xoài ở phía Đông, nay thuộc xã Vọng Thê (Thoại Sơn, An Giang). Các cuộc khai quật của các nhà khảo cổ như De Lajonquiere năm 1912; H. Parmentier 1922; Suzanne Karpe Lés 1928 và Louis Malleret 1938, 1942, 1944 đã thu thập được rất nhiều hiện vật quý như tượng thần Vinsu, Brama, Civa, giá 2 đầu thú, tượng Phật (đồng), các đồ trang sức bằng vàng, bạc, mã não, đồng và các trang sức bằng đá quý, báu quý, đặc biệt là minh văn bằng vàng và bộ Yoni, Linga bằng đá thạch anh rất tinh xảo.


Linh có trang trí hình tượng thần, đá (thế kỷ 6-7)

Trong số các hiện vật trên không thể không nhắc tới tượng thần Ganesa với nghệ thuật điêu khắc rất tinh xảo và độc đáo, đã góp một phần vào kho tàng văn hóa của nhân loại.

Tượng thần Ganesa được nghệ nhân khắc tạc với cái đầu đội nón hình chóp có trang trí hoa văn đơn giản (hình sóng nước), cũng có những tượng thần Ganesa đầu để trần không đội nón như các pho tượng ở Bảo tàng An Giang, Bảo tàng Long An, tùy theo từng bức tượng mà có những nét khắc họa khác nhau. Trong điêu khắc văn hóa Óc Eo (hay văn hóa Chăm pa), hình tượng thần đều có một điểm chung: mình là người, đầu voi, thân có cái bụng rất to, hai mắt mở to, hai vành tai rộng và lớn, vòi vểnh về phía tay trái. Điểm nổi bật là một cái ngà bị gẫy. Theo truyền thuyết Ấn Độ, thần Ganesa tự bẻ gẫy chiếc ngà của mình và lấy chiếc ngà đó viết sử thi Mahabharata.


Thần Ganesa (tượng đứng)

Ganesa là một vị thần được biết đến nhiều nhất trong các thần của đạo Hindu. Một vị thần Ganesa đầy đủ phải có hai tay hoặc bốn tay, một tay cầm cây đinh ba chứng tỏ vị thần này được coi là con của thần Civa, một tay cầm cây chùy vốn thường đi đôi với thần Visnu.

Nghệ thuật điêu khắc của những nghệ nhân Óc Eo khi tạc tượng thần đã bị lôi cuốn vào niềm tin tín ngưỡng tôn giáo rất mạnh. Họ quan niệm rằng đã là thần dù thần linh như Brama, Visnu, Civa hay thần động vật đi nữa đều phải có cái tiếng, cái uy quyền của thần linh, khác với đời thường thì muôn dân mới sợ và kính trọng.

Những nghệ nhân văn hóa Óc Eo xưa đã tạo nên nhịp động của khối đá vô tri, vô giác thành một đường nét tổng hòa, một tư thế uy nghi mà sinh động đã gợi cho người xem một cảm giác rất ấn tượng về thần Ganesa.

Theo truyền thuyết, vị thần Ganesa sinh ra để trấn an tất cả những sự phản đối của những thiên thần ở trên trời. Vị thần này là do một ngọn lửa từ trên trán của thần Civa biến thành một người rất khôi ngô tuấn tú. Bà Pravati lấy làm bực mình tại sao đứa trẻ này không phải do mình sinh ra, đem lòng tức giận và có lời nguyền là thằng bé này phải mang cái đầu voi và bụng to. Và lời nguyền đó trở thành sự thật, từ đó Ganesa có một thân hình xấu xí.


Tượng thần Ganesa Gò Thành (Tiền Giang).

Ganesa trong nghệ thuật điêu khắc văn hóa ở Óc Eo đã tiếp thu những yếu tố truyền thống văn hóa Ấn Độ một cách sáng tạo thông qua việc cải tiến những họa tiết vốn có và bổ sung thêm những yếu tố mới đã góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng nghệ thuật văn hóa Óc Eo. Nghệ thuật điêu khắc trên tượng Ganesa đã phản ánh một nền nghệ thuật đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật cổ đại, đồng thời là sự kết tinh giữa nghệ thuật và tín ngưỡng tôn giáo cùng với sự hoàn thiện về mặt mỹ thuật đã để lại một dấu ấn sâu sắc cho đến ngày nay.

Lê Khiêm tổng hợp

 

Trở lại