Vishnu (thần Bảo Vệ), vị thần thứ hai trong Trimuti (tam vị nhất thể: Brahma, Vishnu, Shiva), là thần canh giữ pháp (Dharma). Thần Vishnu thường hiện ra mỗi khi thế giới bị rối loạn và hiện thân thành Avatara để chỉ cho loài người con đường phát triển mới. Bánh xe của Vishnu có sáu nan hoa, trục bánh xe là biểu tượng của mặt trời. Bánh xe cũng được đồng nhất với hoa sen tượng trưng cho sự tái sinh, đổi mới (Dẫn theo Lâm Quang Thùy Nhiên (2005), Tương cổ bằng đá ở đồng bằng Nam Bộ. Luận án tiến sĩ lịch sử Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ).
Bảo vật quốc gia được giới thiệu trong bài này là Tượng Thần Vishnu bằng đồng được tìm thấy ở Tân Hội - Rạch Giá (Kiên Giang), hiện đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Tượng thần Vishnu (Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh) |
Tượng được tạo trong tư thế đứng, cao 23cm, ngang 11cm. Đầu tượng đội mũ hình trụ, tượng cố bốn cánh tay, hai cánh tay sau: một tay cầm vỏ ốc (shanka) biểu tượng nguồn gốc của sự sống, tay còn lại cầm nụ sen (padma) (đã mất) biểu trưng cho trí tuệ. Hai cánh tay trước: một tay cầm quả cầu (bhu) tượng trưng cho sự vận hành vũ trụ, tay còn lại đặt lên cây chùy biểu tượng cho tri thức bản ngã. Phần thân dưới quấn dhoti dài. Tượng được định niên đại thế kỷ III - V. Với bản tính nhân từ, thần bảo vệ cuộc sống con người, diệt trừ loài quỷ dữ, vì vậy thần Vishnu được cư dân Phù Nam thờ phụng rất phổ biến. Tượng được tạo hình cân đối, hài hòa có giá trị thẩm mỹ cao. Là một tác phẩm độc đáo thuộc nền Văn hóa Óc Eo và đã được trưng bày ở nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới (http://www.baotanglichsutphcm.com.vn/vishnu).
Tượng Vishnu được công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 1) theo Quyết định Số 1426/QĐ-TTg ngày 01/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang