• Chào mừng bạn đến với Hội những người đam mê Văn hóa Óc Eo (Các bài viết trên website chỉ mang tính chất sưu tầm)
  • Chào mừng bạn đến với Hội những người đam mê Văn hóa Óc Eo (Các bài viết trên website chỉ mang tính chất sưu tầm)

Óc Eo Cultural Heritage

BẢO VẬT QUỐC GIA (P3): TƯỢNG PHẬT BÌNH HÒA

Nghệ thuật tạo hình tượng Phật giáo thường tuân thủ theo các quy tắc tạc tượng, được gọi là nghi quy. Đây là những khuôn mẫu, phép tắc thể hiện vẻ đẹp trang nghiêm, từ bi và siêu việt của tượng Phật Thích Ca Mâu Ni gồm ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp trong tạo hình. Những quy tắc này có những biến đổi cho phù hợp với việc thể hiện hình tượng của nhiều vị Phật và Bồ Tát khác để phân biệt với hình tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (1).

Hình tượng đức Phật là phổ biến nhất trong điêu khắc Phật giáo của Văn hóa Óc Eo ở đồng bằng Nam bộ. Hai loại chất liệu gỗ và đá được sử dụng nhiều nhất, các tác phẩm đất nung và đồng cũng được phát hiện nhưng số lượng không nhiều. Đặc sắc nhất là các pho tượng Phật bằng gỗ, một loại hình độc đáo riêng có của đồng bằng Nam bộ (2).

Tượng Phật Bình Hòa tìm thấy tại Bình Hòa - Long An, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 2) theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ là tượng Phật có niên đại thế kỷ III - IV, cao 134cm, ngang 38cm, nặng 73kg. Tượng được chế tác bằng gỗ bằng lăng, trong thế đứng trên bệ hoa sen. Trên đỉnh đầu của tượng có nhục kế unisa, tóc xoắn ốc. Thân tượng khoác áo choàng phủ vai trái. Tay trái nắm một phần áo, tay phải trong tư thế ban phúc (3).

 

 

Lý do được công nhận Bảo vật quốc gia: Đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật tạc tượng trong văn hóa Óc Eo thế kỷ III - IV, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một bảo vật quốc gia.

Nghệ thuật Phật giáo ở đồng bằng Nam bộ có nguồn gốc ảnh hưởng từ Ấn Độ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Lâm Quang Thùy Nhiên (2005), Tượng cổ bằng đá ở đồng bằng Nam bộ, Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ: Luận án tiến sĩ lịch sử, tr32.

(2) Lê Thị Liên (2005), Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng Sông Cửu Long trước thế kỷ X, Nxb Thế giới, tr.42.

(3) http://www.baotanglichsutphcm.com.vn/tuong-phat-binh-hoa.

(4) Nguồn ảnh: http://dsvh.gov.vn/tuong-phat-binh-hoa-3061

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

Trở lại