Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết trong 2 năm qua, ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo đã phát hiện 171 địa chỉ liên quan đến dấu tích văn hóa Óc Eo nằm rải rác ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Văn hóa Óc Eo không chỉ riêng ở An Giang mà còn nằm ở đa số các tỉnh, thành Nam Bộ.
Đây là điều kiện quan trọng để từng địa phương tận dụng đầu tư, nghiên cứu làm sáng tỏ các giá trị, từng bước khẳng định giá trị của nền văn hóa Óc Eo.
"Việc phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức triển lãm gốm Óc Eo Nam Bộ lần này đã cho thấy sự quyết tâm của địa phương trong việc tạo dựng điểm đến du lịch khác biệt so với khu vực, trong đó có bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích văn hóa Óc Eo.
Việc này nhằm khơi dậy những tiềm ẩn của quá khứ đang tồn tại trên vùng đất vô cùng huyền bí của An Giang và cả vùng Nam Bộ này", ông Bình nói.
Triển lãm gốm Óc Eo lần này có sự tham gia của bảo tàng 16 tỉnh, thành phố, trưng bày gần 1.000 hiện vật có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ thứ XII như: tượng, phù điêu, bình gốm, ly gốm, diềm ngói, gạch trang trí, vòi ấm…
Thời gian triển lãm bắt đầu từ ngày 29-9 đến hết ngày 30-10 tại nhà trưng bày Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo (huyện Thoại Sơn, An Giang) với 4 chuyên đề:
- Gốm Óc Eo dùng trong sinh hoạt
- Gốm công cụ sản xuất
- Gốm làm vật liệu trang trí - kiến trúc, đồ trang sức
- Gốm dùng trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.
Văn hóa Óc Eo là một trong ba nền văn hóa lớn của Việt Nam. Miền Bắc có nền văn hóa Đông Sơn, miền Trung có nền văn hóa Sa Huỳnh thì miền Nam có nền văn hóa Óc Eo.
Đây cũng là cơ hội để quảng bá nền văn hóa Phù Nam xưa một thời vang bóng.
https://tuoitre.vn