Gần một thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi những hiện vật nghệ thuật đầu tiên được người Pháp phát hiện ở Óc Eo, nơi tên gọi được đặt cho một nền văn hóa khảo cổ ở Đồng Bằng sông Cửu Long – văn hóa Óc Eo. Số lượng lớn các hiện vật được phát hiện thể hiện một trình độ nghệ thuật phát triển cao với nội dung tôn giáo là chủ yếu. Các tượng Phật, tượng Bồ tát Avalokitesvara, Maitreya thể hiện những nét đặc trưng của phong cách nghệ thuật Phật giáo trong khu vực…
Trong những năm gần đây, mặc dù đã có thêm những phát hiện khảo cổ học và kết quả nghiên cứu mới, nhưng nhiều câu hỏi về văn hóa Óc Eo vẫn chưa được trả lời. Vì vậy, việc nghiên cứu nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề về nghệ thuật tôn giáo mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề văn hóa, lịch sử, kiến trúc của vương quốc cổ đại Phù Nam.
Cuốn sách: “Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cửu Long trước thế kỷ X” là một công trình nghiên cứu tổng hợp giới thiệu nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo từ lúc bắt đầu xuất hiện tới trước thế kỷ X sau Công nguyên, có thể coi là giai đoạn hình thành, phát triển và chấm dứt của nền văn hóa đã dung nạp và nuôi dưỡng nó ở khu vực này, văn hóa Óc Eo.
TS. Nguyễn Thế Anh - Trân trọng giới thiệu!