Câu chuyện “Ông tiên 3 vợ”
Xung quanh tên gọi của núi Ba Thê và các núi nhỏ xung quanh có nhiều giai thoại. Tương truyền xưa kia, có một người lên núi tu, xa lánh chốn hồng trần. Tuy nhiên, vì lòng trần chưa dứt, còn quyến luyến chuyện đời nên ông cứ chiều chiều lại mong ngóng về phương xa với nỗi nhớ nhà, nhớ vợ.
Sau đó, vị sư đã hóa đá, giống như chuyện “Hòn Vọng Phu” nên gọi là núi “Vọng Thê”. Tuy nhiên, người dân Thoại Sơn thích giai thoại khác về cụm núi này hơn.
“Chuyện kể rằng, xưa có 1 ông tiên cùng 3 bà vợ ngự ở vùng này. Ông tiên thường mê rượu chè nên bỏ bê các bà. Ngày kia, 3 bà vợ thách ông cùng thi đắp núi. Ông tiên cậy sức nên vừa đắp, vừa uống rượu, đến khi ngủ dậy thì các bà vợ đã đắp được 3 ngọn núi rất cao.
Đó chính là 3 ngọn của núi Ba Thê (dịch là 3 vợ), trong khi núi ông tiên đắp chỉ nhỏ xíu, người sau này gọi là núi Nhỏ (cặp chân núi Ba Thê, chỉ cao 42m). Ông tiên tức giận lấy đá ném về các ngọn núi của 3 bà, 1 hòn đá văng ra xa nằm trơ trọi một mình, gọi là núi Trọi; hòn đá khác gây sập rừng cây nên người ta gọi là núi Sập.
Một hòn đá văng xuống ruộng, có chóp núi giống đầu voi nên gọi là núi Tượng, hòn còn lại là núi Chóc”
Hình ảnh minh họa: Núi Ba Thê
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, tên gốc của núi Ba Thê là “Hoa Thê sơn”. Vào thời vua Minh Mạng, do “kỵ húy” tên bà hoàng hậu Hồ Thị Hoa nên “Hoa Thê sơn” được đổi thành “Ba Thê sơn”, còn có tên gọi khác là Vọng Thê. Cụm núi Ba Thê nằm lẻ loi giữa đồng Tứ giác Long Xuyên, gồm các núi: Ba Thê, núi Nhỏ (thị trấn Óc Eo), núi Tượng, núi Chóc (xã Vọng Đông) và núi Trọi (xã An Bình). Trong đó, núi Ba Thê cao nhất với 3 chóp đứng, gồm đỉnh phía Bắc (cao 221m), đỉnh phía Nam (cao 161m) và đỉnh cao nhất ở giữa (226m), có nhiều cây cổ thụ xanh tươi tỏa bóng mát.