• Chào mừng bạn đến với Hội những người đam mê Văn hóa Óc Eo (Các bài viết trên website chỉ mang tính chất sưu tầm)
  • Chào mừng bạn đến với Hội những người đam mê Văn hóa Óc Eo (Các bài viết trên website chỉ mang tính chất sưu tầm)

Hội đam mê Văn hóa Óc Eo

Tượng thần Visnu trong văn hóa Óc Eo

Visnu - một trong bộ ba tượng thần Siva - Visnu - Brahma, là một vị thần Bảo vệ và được ngưỡng mộ nhất trong Thần điện Hindu giáo. Với 24 tên thường dùng nhất được đặt cho 24 hình thức điêu khắc thể hiện vị thần này. Sự khác nhau giữa các vị thần chỉ là vị trí của các biểu tượng bánh xe, con ốc, gậy quyền và hoa sen.

Trong điêu khắc phù điêu và tượng tròn ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa bắt gặp các hình thức hóa thân của thần Visnu. Có khoảng 54 hiện vật và mảnh vỡ thể hiện thần Visnu đã được phát hiện ở phía Nam Việt Nam. Trong đó, có khoảng 19 hiện vật còn khá đầy đủ được phát hiện sau năm 1975.

Hầu hết các tượng đều được tạc từ đá, trừ pho tượng bằng đồng duy nhất phát hiện được ở xóm Tân Phú, làng Tân Hội, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Pho tượng này có hình thức dập khuôn từ các hình mẫu phổ biến bằng đá ở ĐBSCL, do đó vấn đề niên đại và phong cách của nó được nhắc đến cùng với các tác phẩm bằng đá.


Tượng đồng ở Tân Phú, Tân Hội, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Các tượng Visnu hiện nay, đều trong tình trạng gãy vỡ, nhiều tượng chỉ còn phần đầu hoặc phần thân. Tất cả các tượng đều có tư thế đứng thẳng, trên một bệ chữ nhật dẹt, trơn, có chốt cắm hình thang; có 4 tay, hai tay sau giơ lên ngang đầu, hai tay dưới hơi gập, cao ngang thắt lưng, cầm các biểu tượng. Đặc điểm chung nhất của các tượng Visnu là chiếc mũ đội hình ống (Kiritamukuta) và các biểu tượng mà vị thần này thường cầm trong tay là con ốc, bánh xe, gậy quyền, quả cầu và nụ hoa sen.

Bánh xe (Chakra) là một biểu tượng có nhiều ý nghĩa khác nhau. Khi là một biểu tượng của Visnu, nó thể hiện quyền năng bảo vệ vũ trụ của vị thần này. Con ốc (Sankha) là một biểu tượng đặc biệt của Visnu. Tiếng vang của tù và ốc có sức mạnh làm kinh sợ và xua đuổi quỷ dữ. Gậy quyền (Gada) là vũ khí của Visnu. Quả cầu tròn hoặc một búp sen đôi khi trong tay phải hoặc tay trái phía trước của vị thần này.

Từ các tượng nguyên vẹn nhất và các biểu hiện đặc trưng của từng phần như đặc điểm của khuôn mặt, mũ và mái tóc, các đặc điểm về trang phục, lối thể hiện hình khối cơ thể, các biểu tượng và vị trí của các tay cho thấy có nhiều nhóm tượng khác nhau.

1) Nhóm 1: Các tượng Visnu mặc trang phục dài (Dhoti)

a) Phân nhóm 1a: Dhoti có phần dây lưng buông thành hình chữ U phía trước:

Có 5 di vật và một mảnh vỡ. Trong đó, có 2 tượng được phát hiện ở di chỉ Nhơn Nghĩa, tỉnh Cần Thơ và tượng Gò Miếu, tỉnh Tây Ninh, đều có khuôn mặt bầu bĩnh trẻ thơ với cái cằm tròn. Các nét trên khuôn mặt hiện thực, miệng nhỏ, môi không có viền, mắt và lông mày nổi nhưng không sắc nét, tai nhỏ, cơ thể hơi khô cứng. Trang phục đều thuộc loại sampot dài cuốn lại dắt thành múi trước bụng và buông thành dải dài giữa hai chân, bên dưới là một vành dây lưng rộng bản cuốn quanh, có phần buông xuống hình chữ U phía trước. Viền gấu phía dưới tạo thành hai đường cong dính liền với dải giữa thân.

 


                                                        Tượng Visnu Gò Miếu, Tây Ninh

Tượng Don Tha Em, Tây Ninh có niên đại thế kỉ 6, mang tính chất hiện thực với khuôn mặt vuông, hàm bạnh và các chi tiết trên khuôn mặt thể hiện một người đã trưởng thành. Thân thể với hình khối hơi mỏng dẹt nhưng thể hiện sự cường tráng bằng các cơ bắp sau vai và tư thế ưỡn ngực. Hai bên hông có vết vỡ của vật gắn vào. Tay sát hông, hai tay bên trái vỡ gắn lại có bề mặt trơn bóng, màu xanh xám, khuỷu nhọn. Bàn chân phải còn lại to ngang, tả thực nhưng hơi thô vụng. Mũ trụ hơi bẹt, không có vết cung chống trên mũ. Trang phục dài, gấu nổi rõ, cong lên, các dải cuốn phía trước buông xuống bệ, nét mềm, uốn lượn nhiều nếp. Thắt lưng thấp ngang hông có các vạch chéo và buông thành hình chữ U.

Hai tượng ở Tây Ninh có niên đại thuộc đầu thế kỉ 5, các cánh tay được chia ra ngay từ phần bả vai, thể hiện sự phát triển hơn về kĩ thuật hình khối so với các tượng Nhơn Nghĩa (các cánh tay được chia ra từ phần cánh tay hoặc gần khuỷu).

Tượng thứ 4 ở Nhơn Nghĩa, thuộc đầu thế kỉ 6, chỉ còn nửa thân trên. Khuôn mặt thon dài, má hơi bầu, sống mũi thẳng, lông mày nổi phồng, mắt nhỏ dài, không có đuôi. Tai được thể hiện khá thực, đeo khuyên tai hình con đỉa tròn, nhỏ. Cổ hơi ngắn, hai vệt ngấn mờ khắc chìm phía bên phải. Vai xuôi, các cơ bắp nổi rõ. Bốn tay được chia từ vai, hai tay sau đánh ra phía sau khiến phần sống lưng lõm. Đầu đội mũ trụ trơn, hơi loe ra phía trên, tiết diện gần tròn không có dấu vết cung chống, gờ viền sau đã kéo xuống tới cổ, không lộ tóc.

 

Visnu Nhơn Nghĩa, Cần Thơ

Nhìn chung, các tượng thuộc phân nhóm 1a thể hiện sự mô phỏng những tiêu chí tiếu tượng từ những hình mẫu rất sớm của nghệ thuật Ấn Độ, nhưng đã phát triển theo xu hướng riêng, mang những nét địa phương khá rõ, không những ở các chi tiết về nhân chủng mà cả về trang phục và đồ trang sức.

b) Phân nhóm 1b: Dhoti có dây lưng cuốn ngang hông, song song với thắt lưng hoặc hơi xiên chéo.

Có 4 tượng gồm các tượng Vĩnh Tân (Đồng Nai), tượng Vat Krapau Brik (Vọng Thê), tượng Thân Cựu Nghĩa và tượng Hưng Thạnh Mĩ. Ngoài ra có một thân tượng được phát hiện ở A.T. Pram Thlan, Châu Đốc.

Tượng Vĩnh Tân được thể hiện tương đối hiện thực, mông nổi rõ dưới tấm sampot cuốn sát thân. Dải tua trước thân cho thấy các nếp mềm mại. Đai lưng thể hiện rõ hình thức vải cuộn tạo thành các nếp xiên chéo. Gót chân tròn, các ngón xòe rộng. Các ngón tay mềm mại. Tượng có niên đại vào khoảng cuối thế kỉ 6 đầu thế kỉ 7.


Visnu Vĩnh Tân, Đồng Nai

Tượng Vat Krapau Brik, Vọng Thê có điểm khác biệt là tay cầm ốc và quả cầu đặt sát hông, không có gậy chống. Vị thần này còn đeo vòng tay trơn kép ba vòng trên cánh tay. Tượng Thân Cựu Nghĩa và tượng Hưng Thạnh Mĩ còn khá nguyên vẹn.


Visnu Vat Krapau Brik, Vọng Thê, An Giang

Về trang phục vẫn còn giữ chiếc khăn choàng ngang hông là một ảnh hưởng còn giữ lại từ truyền thống của nhóm 1. Nhìn chung, các tượng đều thuộc loại phát triển, định hình về phong cách và đặc điểm giải phẫu cơ thể. Những yếu tố đó cùng với các chi tiết trang trí chứng tỏ 3 tượng sau của phân nhóm này thuộc giai đoạn giữa thế kỉ 7 đầu thế kỉ 8.

c) Phân nhóm 1c: Dhoti trơn, có các nếp buông song song giữa hai chân

Có 4 tượng khá nguyên vẹn. Đặc điểm chung của chúng là bốn tay cầm các biểu tượng ở các vị trí của một Visnu Janardana với gậy quyền có mặt cắt tứ giác, to dần xuống dưới, hơi cong. Các tượng đều mặc sampot dài, cuộn lại thành một nút nổi tròn trước bụng và tạo thành dải dài buông dọc giữa hai chân, chạm tới bệ. Tuy nhiên, mỗi tượng thể hiện những chi tiết rất khác nhau về khuôn mặt, cơ thể và chi tiết trang phục.

Tượng thứ nhất phát hiện ở Long An: Chưa được tạc hoàn chỉnh, nhiều chi tiết không được thể hiện rõ như tai, các cánh tay, các vật cầm trong tay dưới và đặc biệt là đôi bàn chân. Con ốc và bánh xe ở hai tay trên cũng không được thể hiện đầy đủ chi tiết. Hình thể được gợi ý bằng các khối, thô phác. Tuy nhiên, khuôn mặt bầu bĩnh có các nét thanh mảnh, lông mày tạo thành gờ mảnh cong dài; miệng, mắt, mũi nhỏ. Sự nở nang của cơ thể được thể hiện bằng đường cong lõm của sống lưng, mông tròn, bả vai có phần cơ căng phồng, phần bụng lớn và vai rộng phía trước, cơ thể khá cân đối khiến pho tượng có một vẻ đẹp hấp dẫn. Trụ đỡ ở sau đầu và nối với hai tay trên được thể hiện rất thô. Mũ trụ trơn, gần giống hình khối vuông, hơi thu nhỏ phía trên đỉnh. Trang phục mỏng làm hai đầu gối nhô rõ, được cuộn lại thành một nút trơn trước bụng và tạo thành tua buông thẳng xuống tới bệ.


Tượng Visnu, Long An

Tượng thứ hai ở Gò Tháp (Đồng Tháp): Tượng bị gãy cung chống và tay trái trên. Bệ hình chữ nhật dẹt, có chốt lớn. Gậy quyền bên trái có mặt cắt tròn to dần xuống dưới, gậy chống bên phải có mặt cắt hình tứ giác, hơi cong. Khuôn mặt thanh tú; gờ mày cong, mảnh, nổi. Mắt hình hạnh nhân, nhỏ dài. Mí mắt trên khá rõ nhưng mảnh nhỏ. Sống mũi thanh. Môi không có viền, hơi mỉm cười. Cổ hơi to, không có ngấn. Tai dài hơi cách điệu, dái tai nhỏ có khe dọc thẳng. Cơ thể cường tráng, có phần cường điệu, khuôn mẫu: vai ngang, hông và ngực nở, eo thon, chân tay to chắc. Bụng hơi lớn, có ngấn nổi rất ít tạo bởi dây thắt lưng mảnh của sampot. Mũ tròn trơn, hơi thu lại phía trên đỉnh. Sampot trơn dài xuống ống chân, các nếp cuộn giữa hai chân được cách điệu chỉ còn là một khối tứ giác cong dính liền bệ, như một trụ đỡ.

Visnu Gò Tháp, Đồng Tháp

Tượng thứ ba mất phần thân nên không rõ trang phục, phát hiện trong phế tích tháp Bình Thạnh (Tây Ninh). Với các mảnh còn lại ghép được cho thấy tượng đội mũ trụ hình ống hơi thu nhỏ phần trên. Khuôn mặt có các nét tả thực, gờ mày cong dài, mắt mở to. Mũi thanh. Môi dưới hơi mọng trề ra, không có viền môi. Cổ có ngấn. Tai dài, dái tai hơi nhỏ ở chót đuôi. Các tay chia ra từ khuỷu, các ngón thon mảnh, khá dài. Cung chống hình móng ngựa kéo dài xuống bệ và có chung gốc với hai cột chống. Niên đại của tượng thuộc thế kỉ 7.

Tượng thứ tư còn nguyên vẹn, phát hiện ở Gò Thành, Tiền Giang. Vị thần này được thể hiện đứng trên bệ chữ nhật mỏng dẹt, có chốt cắm lớn. Vai to ngang, cánh tay ngắn, cổ to mập. Đôi chân và phần dưới của trang phục liền thành một khối. Chiếc mũ trụ trơn hơi thu nhỏ phía trên, được nối với bánh xe và con ốc bằng hai thanh ngang phía trên tai. Đuôi ốc không có các vòng xoáy, còn bánh xe thì lược bỏ hẳn những chi tiết của phần nan hoa. Khuôn mặt hơi vuông và ngắn, có những nét thanh tú, miệng nhỏ, môi không có viền. Hai gậy chống có sự phân biệt khá rõ. Gậy bên trái có mặt cắt hình bát giác, bên phải có mặt cắt hình vuông.


Visnu Gò Thành, Tiền Giang

Như vậy, các tượng thuộc nhóm 1 bắt đầu bằng việc mô phỏng các hình tượng khá sớm trong nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, đã nhanh chóng sáng tạo những đặc điểm riêng ngay từ thế kỉ 5. Những đặc điểm này tiếp tục định hình và phát triển trong nhiều thế kỉ, cho tới thế kỉ 8.

2) Nhóm 2: Các tượng Visnu mặc trang phục ngắn (Sampot)

a) Phân nhóm 2a: Sampot không có tua và nút buộc phía trước

Đặc điểm này được thể hiện trên một pho tượng bằng sa thạch xám trắng, phát hiện ở Xoài Xiêm (Trà Vinh). Pho tượng này chưa được tạc hoàn chỉnh, có bốn tay, các cánh tay chia ra từ gần khuỷu, tay trái trên gãy. Biểu tượng trong các tay khó nhận rõ. Phần cung chống có tay phải trên được tạc nổi phía trước, nối ngang trên phần đỉnh mũ. Phần tay dưới và gậy chống liền khối với hông. Khuôn mặt tròn với đôi má bầu bĩnh. Tai chưa hoàn chỉnh, bụng thon, lỗ rốn sâu. Ngực nở, vai trung bình, cổ ngắn. Sampot ngắn trên gối, quấn sát thân. Những đặc điểm của khuôn mặt, lối bố trí cung chống cho thấy tượng thuộc giai đoạn phát triển của nghệ thuật Phù Nam (thế kỉ 5-6).


Visnu Xoài Xiêm, Trà Vinh

b) Phân nhóm 2b: Sampot có tua hình đuôi cá phía trước

Có 4 tượng còn khá nguyên vẹn và một tượng bị vỡ mất đầu. Tượng thứ nhất phát hiện ở Gò Tháp, có bốn tay chia ra từ gần khuỷu. Hai tay phải gãy mất, tay trái trên cầm ốc, tay trái dưới chống gậy trơn, đầu gậy tròn. Các ngón tay thon mảnh. Cổ ngắn, to, không có ngấn; tai dài, dái tai tròn, dày. Khuôn mặt hơi vuông, cằm bạnh. Gờ mày nổi rõ nét cánh cung, sống mũi thẳng nhỏ, cao, môi viền rõ nét, khóe môi sắc, cằm bổ đôi. Vai hơi ngang, phía sau vai phẳng bẹt. Bụng hơi phệ. Trang phục ngắn trên gối, trơn, cuộn thành một nút tròn nhỏ và buông thành các nếp hình đuôi cá 3 lớp. Mũ trụ thẳng, trơn, kéo xuôi tới sát tai. Cung chống ngang giữa mũ phía sau, hơi uốn cong hình chữ U.


Tượng Visnu Gò Tháp, Đồng Tháp

Nửa thân trên của tượng Visnu thứ hai cũng được phát hiện ở Gò Tháp. Tượng có khuôn mặt thon dài, gờ mày hơi nổi; mắt hơi phồng; miệng mỉm cười, hai khóe miệng lõm sâu, môi không rõ viền, cằm tròn. Dái tai dày. Phần tay còn lại hơi phình, bốn tay dính đến khuỷu và liền cung đỡ. Mũ trụ thẳng, viền mũ phía sau kéo sâu xuống dưới gáy, không để lộ tóc. Các lọn tóc xoăn ở hai bên thái dương, không rõ các búp cuốn.

Tượng Visnu Bình Hòa đã gãy hết các tay, chỉ còn phần khuỷu tay trái sau, gãy hai chân, mất gậy chống và toàn bộ các vật biểu tượng; có kích thước lớn nhất trong số các tượng đứng.


Visnu Bình Hòa, Đồng Nai

Đầu tượng Visnu phát hiện ở Đá Nổi, Rạch Giá gần như cùng một khuôn mẫu với tượng Bình Hòa, được thể hiện sống động với vành mũ không có đường viền nổi. Nó cũng thể hiện vẻ đẹp hoàn hảo của kĩ thuật đục chạm đạt đến đỉnh cao.

Tượng phát hiện ở chùa Cổ Lâm, Tây Ninh bị gãy mất đầu, các tay và các biểu tượng. Lối trang phục được thể hiện khá phức tạp, gồm một sampot dày và ngắn được cuốn về phía trước và giắt lên thắt lưng rồi buông thành tua hình đuôi cá. Phần thắt lưng trơn nhưng được cuốn thành nhiều vòng có phần đầu được giắt vào phía hông phải. Đôi vai rộng khỏe, bụng thon chắc.


Tượng Visnu Cổ Lâm Tự, Tây Ninh

Pho tượng Visnu phát hiện ở Gò Trâm Quỳ (Đức Hòa, Long An) có tư thế đứng thẳng. Cơ thể được thể hiện thô mập, khuôn mặt vuông và ngắn, cằm tròn bạnh. Mũ trụ thẳng đứng, được cắt vát xiên hai bên thái dương. Phần trang phục có các nếp hình đuôi cá hai tầng phía trước nhưng hoàn toàn để trơn phía sau.

Ngoài ra, còn có một số lớn đầu tượng và mảnh vỡ của tượng Visnu đã được phát hiện: Đầu tượng ở Gò Tháp (Đồng Tháp), đầu tượng ở Thanh Điền (Tây Ninh), Gò Sao (Long An)… Các mảnh vỡ, đặc biệt là các mảnh tay cầm các biểu tượng được phát hiện ở nhiều di tích: Gò Tháp (Đồng Tháp), chùa Cổ Lâm (Tây Ninh)…


Đầu tượng Visnu Thanh Điền, Tây Ninh

Các điêu khắc Visnu ở Đồng bằng sông Cửu Long có rất ít khác biệt về nội dung tiếu tượng, trang phục và trang sức. Tuy nhiên, sự đa dạng về kích thước, chất lượng, phong cách nghệ thuật và nguồn gốc ảnh hưởng phản ánh sự khác biệt về niên đại và các giai đoạn phát triển. Điêu khắc Visnu trở nên định hình và phát triển hoàn hảo cả về hình khối, kĩ thuật xử lí chi tiết và bề mặt, hình thức biểu tượng vào thế kỉ 6 - 7. Trong giai đoạn này, có các cách trang phục khác nhau, khá phong phú, phổ biến là trang phục dài.

Thần Visnu là hiện thân của sự từ bi, là một trong ba vị thần tối cao, linh thiêng trong Ấn Độ giáo. Thần Visnu cũng được xem như cây cột vũ trụ chống đỡ bầu trời. Việc tìm hiểu về tượng thần này giúp các nhà nghiên cứu sử học, văn học, khảo cổ học có những nhận định chính xác nhất về lịch sử tôn giáo tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.

Lê Khiêm tổng hợp

Trở lại