Di Tích Gò Út Trạnh
Chuyên mục: Di tích Út Trạnh | Date: 08/07/2024 14:32Quét mã để xem trên di động
Gò Út Trạnh là một gò đất cao, có diện tích rộng nằm trên sườn dốc thoải của sườn Đông núi Ba Thê, thuộc vùng lõi của Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê
Gò Út Trạnh là một gò đất cao, có diện tích rộng nằm trên sườn dốc thoải của sườn Đông núi Ba Thê, thuộc vùng lõi của Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê. Địa thế của gò có đặc điểm là đỉnh chạy dài theo hướng bắc – nam và thấp thoải dần về phía đông. Di tích cách cụm di tích ở Linh Sơn Tự khoảng 400m về phía nam, cách di tích hồ nước Baray khoảng 100m về phía tây. Trong cuộc khảo sát, điền dã năm 2018 của Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo đã xác định các khu vực xung quanh của di tích có sự phân bố đậm đặc các di tích khác.
Di tích được phát hiện vào tháng 09 năm 2010 bởi các chuyên gia của Trung tâm Khảo cổ học TP. Hồ Chí Minh và được khai quật lần đầu từ tháng 07 đến tháng 09 năm 2011, đã phát hiện phế tích kiến trúc của 03 ngôi đền Hindu của cư dân văn hóa Óc Eo xưa. Năm 2019, theo Đề án của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhằm mục đích khai quật, nghiên cứu xây dựng tư liệu khoa học cho hồ sơ di sản thế giới, Trung tâm Khảo cổ học TP. Hồ Chí Minh tiếp tục mở hố khai quật ở khu vực phía tây của gò, đã phát hiện một đường kiến trúc gạch chạy dọc theo hướng bắc – nam nằm về phía tây của các ngôi đền. Sau khi kết thúc khai quật, Trung tâm Khảo cổ học TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành lấp bảo tồn lại những di tích kiến trúc. Đến năm 2021, Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tiến hành tái khai quật lại toàn bộ kiến trúc di tích Gò Út Trạnh nhằm mục đích tiến hành xây dựng mái che để bảo vệ và trưng bày, phát huy giá trị của di tích.
Di tích Gò Út Trạnh có diện tích khoảng 650m2, tổng thể bình đồ của di tích bao gồm 03 kiến trúc chính của 03 ngôi đền thờ nằm trên một trục đường thẳng Bắc – Nam được xây dựng nhằm để tôn thờ 03 vị thần tối cao trong Hindu giáo của cư dân văn hóa Óc Eo. Ngôi đền phía nam là đền thờ của thần Vishnu – là vị thần của sự bảo tồn; Ngôi đền chính giữa ở Trung tâm là đền thờ thần Shiva – là vị thần của sự hủy diệt và tái sinh; Ngôi đền phía bắc là đền thờ thần Brahma – là vị thần của sự sáng tạo. Cả ba ngôi đền đều được xây dựng trên một kiến trúc sàn bằng đá, phía trước là các tiền sảnh với 03 kiểu mô thức kiến trúc khác nhau. Xung quanh 03 ngôi đền được xác định rõ ở 03 hướng Tây – Bắc – Nam là một kiến trúc bao quanh được xây dựng bằng gạch trên móng đá.
Ở trung tâm của ngôi đền phía nam được dành để tôn thờ thần Vishnu, chúng ta có thể thấy được cấu trúc của một hố thờ. Đây là một kiểu kiến trúc đặc trưng phổ biến và là vị trí linh thiêng nhất trong các ngôi đền thờ các vị thần Hindu giáo của cư dân Óc Eo xưa. Cấu trúc của hố thờ bao gồm một kiến trúc gạch hình vuông được xây dựng bằng cách cứ 02 viên gạch nằm dọc là tới 01 viên gạch nằm ngang; diện tích của hố thờ là 2.85 x 2.85m, bề mặt được nện chặt bằng cát mịn. Trung tâm của hố thờ là một kiến trúc gạch được xếp bởi 04 viên gạch theo hình chữ Vạn thường được gọi là Trụ giới Seima, chính giữa Trụ giới Seima là hộc vuông được lấp đầy cát mịn; kiến trúc gạch này có kích thước 0.37 x 0.37m. Gạch dùng xây dựng hố thờ có kích thước 0.25 x 0.11m. Ở vị trí trung tâm của các ngôi đền thờ thần Shiva và Brahma cũng có các hố thờ này nhưng do bị thời gian phá hủy nên không còn nhận diện rõ như ở ngôi đền của thần Vishnu.
Di tích Gò Út Trạnh là một hệ thống kiến trúc được xây dựng bằng vật liệu hỗn hợp gạch – đá. Đây là một trong những di tích kiến trúc còn nguyên vẹn nhất của quần thể di tích Óc Eo – Ba Thê và là khu đền thờ hiếm hoi trong hệ thống các di tích Óc Eo ở Nam Bộ khi được xây dựng để tôn thờ cả 03 vị thần tối cao của Hindu giáo cùng một không gian. Vì vậy đây là một di tích tiêu biểu, có giá trị lớn trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Óc Eo.