• Chào mừng bạn đến với Hội những người đam mê Văn hóa Óc Eo (Các bài viết trên website chỉ mang tính chất sưu tầm)
  • Chào mừng bạn đến với Hội những người đam mê Văn hóa Óc Eo (Các bài viết trên website chỉ mang tính chất sưu tầm)

Hội đam mê Văn hóa Óc Eo

BẢO VẬT QUỐC GIA (P4): TƯỢNG PHẬT SA ĐÉC

Cùng chất liệu gỗ và đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khác với Bảo vật quốc gia Tượng Phật Bình Hòa, Tượng Phật Sa Đéc có kích thước khá cao (268cm) được công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 2) theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013.

Tượng được làm bằng gỗ sao, niên đại thế kỷ IV. Tượng tạc trong tư thế đứng trên bệ hoa sen hai tầng. Trên đỉnh đầu có dấu vết nhục kế unisa, tóc xoắn ốc. Tượng khoác cà sa dài xuống chân. Là một hiện vật độc bản với kích thước cao lớn, tượng được thể hiện với nét mềm mại, thanh thoát, đặc trưng cho nghệ thuật tạo hình Phật giáo bằng gỗ trong văn hóa Óc Eo ở vùng Nam bộ thời cổ đại  (http://www.baotanglichsutphcm.com.vn/phat).

 

Tượng Phật Sa Đéc cùng nhiều tượng Phật bằng chất liệu khác như đá, kim loại…chứng tỏ ngay từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên, đã có những mối quan hệ giữa cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các cộng đồng cư dân khác, có thể chủ yếu là các quan hệ trao đổi buôn bán. Chính những quan hệ này đã góp phần đưa các yếu tố Phật giáo vào đây. Những chứng tích rõ rệt nhất của thời kỳ này phản ánh chủ yếu thông qua các di tồn vật chất trong đời sống cư dân. Vào thời kỳ hình thành vương quốc Phù Nam (từ thế kỉ 2 đến thế kỷ 7 sau Công nguyên), ở đây đã tồn tại những trung tâm đô thị và cư dân lớn, được chứng minh bằng sự phát triển trù phú, rộng khắp của các vùng dân cư và sự phát triển đến trình độ cao của kiến trúc và nghệ thuật tôn giáo. Thành quả đáng kể nhất của nghệ thuật vùng Đồng bằng sông Cửu Long là việc tiếp thu một cách có sáng tạo các hình mẫu bắt nguồn từ các trung tâm nghệ thuật nổi tiếng của Ấn Độ như Gandhara, Mathura, Amaravati…liên tục trong nhiều thế kỉ để sáng tạo những hình mẫu đặc trưng, có thể gọi một cách chung nhất là nghệ thuật Phù Nam.

Tài liệu lịch sử ghi lại, cả Phật giáo và Hindu giáo đã cùng tồn tại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm. Niềm tin tôn giáo đó kết hợp với tín ngưỡng bản địa, tạo thành lối sống và phong tục sùng bái các thế lực siêu nhiên trong đời sống xã hội của mọi tầng lớp./.

 

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang.

Trở lại