• Chào mừng bạn đến với Hội những người đam mê Văn hóa Óc Eo (Các bài viết trên website chỉ mang tính chất sưu tầm)
  • Chào mừng bạn đến với Hội những người đam mê Văn hóa Óc Eo (Các bài viết trên website chỉ mang tính chất sưu tầm)

Hội đam mê Văn hóa Óc Eo

BẢO VẬT QUỐC GIA (P5): TƯỢNG PHẬT LỢI MỸ

Tượng Phật Lợi Mỹ có kích thước lớn, chiều cao 200cm, rộng 50cm và đường kính bệ là 41cm. Tượng được phát hiện năm 1937 tại làng Lợi Mỹ, xã Phong Mỹ, tỉnh Sa Đéc cũ, nay thuộc địa phận tỉnh An Giang. Tượng đang được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh. Tượng được tìm thấy cùng với 2 chiếc cột gỗ có mặt cắt ngang hình bát giác, trong đó một hiện vật có chốt và hiện vật còn lại kia có mộng, cho thấy chúng xuất phát từ một kiến trúc gỗ. Tượng được làm bằng gỗ trai, tạc trong tư thế đứng thẳng trên bệ sen hai tầng, các cánh hoa thể hiện tả thực với nhiều lớp. Khuôn mặt tròn hơi bẹt (thủng một lỗ giữa mặt), hàm bạnh với cằm tròn và nhô ra, tóc phình tròn to chưa thể hiện xoăn bụt ốc, trên đỉnh có búi tóc nhọn. Đôi tai dài đến gần vai. Hai tay Đức Phật đưa lên ngang tầm ngực, tay phải kết ấn giáo hóa (hay ấn thuyết pháp - Vitarka-mudra), tay trái không rõ. Tượng mang phong cách ảnh hưởng từ nghệ thuật Dvaravati. Tượng có niên đại phân tích C14 vào khoảng trước - sau năm 460 (1).

 

 

Tượng Phật tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Đông Nam Á nói chung cũng như Văn hóa Óc Eo nói riêng, còn được lưu giữ tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay. Tượng đã được trưng bày ở nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới (2).

Tượng được công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 1) theo Quyết định số 1426/QĐ - TTg ngày 01/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ./.

TÀI LIỆU DẪN:

(1) Bùi Chí Hoàng (chủ biên) (2018), Khảo cổ học Nam Bộ thời sơ sử, Nxb Khoa học xã hội, tr.270.

(2) http://www.baotanglichsutphcm.com.vn/phat-2

(3) https://giacngo.vn/tuong-phat-loi-my-net-doc-dao-tu-van... "Tượng Phật Lợi Mỹ - nét độc đáo từ văn hóa Óc Eo".

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang

Trở lại